Chúng tôi đến thăm một ngôi làng có lịch sử lâu đời, làng Bình Vọng (làng Bằng), xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thuộc Hà Tây cũ, nay là Hà Nội.
Nơi đây còn một cây cầu ngói với kiến trúc rất đẹp, được các cụ gọi là lối “Thượng gia hạ kiều”, nghĩa là trên là nhà, dưới là cầu.
Cây cầu này không phải nguyên bản từ thời xa xưa, mà được dân làng phục dựng lại từ đầu những năm 2000 theo lối cũ, do bị chiến tranh tàn phá từ thế kỷ 20.
Cây cầu bắc qua ao trước đình tạo, có bề ngang khoảng 3m, dài khoảng 20m. Công trình tuy được làm mới và đã sử dụng một số vật liệu mới như bê tông, nhưng điều này là dễ hiểu nhằm đảm bảo độ bền cho công trình trong thời hiện đại. Xung quanh cầu được trang trí đèn nháy, nhưng cá nhân tôi thấy điều này khiến công trình mất đi vẻ cổ kính nên có ở một công trình như vậy.
Cầu nhìn từ phía bên ngoài đường vào. Đầu đao cổ kính, cong vút rất đẹp.
Ở góc nhìn rộng hơn, ta thấy hai bên có hai chiếc ghế làm bằng đá, toát lên vẻ cổ kính, rêu phong của thời gian. Trước và sau cầu là những cây đại thụ chở che cho không gian văn hóa độc đáo này suốt hàng trăm năm nay.
Bên cạnh cầu ngói Bình Vọng còn có những bậc gạch dẫn xuống ao đình, một hình ảnh khá thân thuộc của làng quê Bắc Bộ.
Những ngày xuân, hàng cây đại thụ trổ hoa, càng làm tôn thêm vẻ đẹp văn hóa và cổ kính cho nơi đây.
Tại đây, người dân địa phương đã cùng nhau xây dựng nên một không gian thư giãn, vui chơi, thể dục thể thao, phục vụ cho chính mọi người trong làng.
Cầu ngói Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội là một trong số ít ỏi những cây cầu ngói còn lại ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy rằng đây là cây cầu đã làm lại, nhưng nó vẫn giữ được nét cổ kính, độc đáo riêng có, thể hiện tâm huyết của những người con làng Bình Vọng (làng Bằng) mong muốn gìn giữ lại những giá trị truyền thống cha ông để lại.